Hướng dẫn ngăn nắp tất, vớ để không thất lạc và duy trì gọn gàng dài lâu

  • Trang chủ
  • Blog
  • Hướng dẫn ngăn nắp tất, vớ để không thất lạc và duy trì gọn gàng dài lâu
image

Hướng dẫn ngăn nắp tất, vớ để không thất lạc và duy trì gọn gàng dài lâu

Khi nhắc đến ngăn nắp quần áo, nhiều người thường tập trung vào các trang phục lớn như đồ đi chơi, đi làm, đồ mặc nhà,..... Tuy nhiên, có một loại phụ kiện có thể dùng chung cho tất cả các thành viên trong gia đình, miễn là nó vừa vặn với người sử dụng và thường bị bỏ qua khi dọn dẹp tủ quần áo - đó chính là tất. Chính vì điều này, tất thường trở thành món đồ dễ thất lạc trong gia đình.

Tất thì ai cũng cần nhưng khi cần lại khó tìm thấy, và việc không thể tìm thấy đôi tất phù hợp vào lúc cần thiết là một vấn đề khiến không ít người bực mình. Một mẹo nhỏ mọi người thường áp dụng đó là mua những đôi tất giống hệt nhau và sử dụng hộp chia ngăn. Tuy nhiên, đây có phải cách làm sẽ giúp bạn xử lý triệt để tình trạng những đôi tất bừa bộn, thất lạc lung tung hiệu quả không?

Trong bài viết này, JOYDY sẽ hướng dẫn bạn cách ngăn nắp tất, vớ một cách hiệu quả, từ việc phân loại, đến việc chọn lọc và sắp xếp tất, vớ sao cho dễ lấy, dễ cất và không thất lạc.

 

Quy trình 4 bước ngăn nắp tất, vớ theo phương pháp Konmari

Quy trình 4 bước ngăn nắp tất, vớ theo phương pháp KonMari bắt đầu bằng việc tập hợp tất cả các loại tất, vớ bạn đang có lại một chỗ, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về số lượng và tình trạng của chúng. Bạn hãy tìm kiếm mọi ngóc ngách trong nhà và bất cứ nơi đâu đang lưu trữ tất của bạn và đưa về một nơi. Lưu ý, bạn chỉ tập hợp tất của cá nhân, với tất của các thành viên khác thì bạn sẽ loại ra và tiến hành dọn sau khi đã hoàn thành việc dọn dẹp của mình.

Sau đó, phân loại chúng thành từng nhóm cụ thể theo hướng dẫn của phương pháp KonMari, giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu sử dụng và dễ dàng so sánh, chọn lọc trong bước sau.

Tiếp theo, chọn lọc những món đồ mà bạn thực sự yêu thích và mang lại niềm vui, giữ lại những món mà tình trạng sử dụng còn tốt và bạn yêu thích chúng. Loại bỏ những món không còn phù hợp.

Cuối cùng, sắp xếp các món đồ đã được chọn lựa theo cách hợp lý và dễ tiếp cận, tạo ra một không gian sống ngăn nắp và gọn gàng, giúp bạn dễ dàng sử dụng hàng ngày.

Tất, vớ thuộc nhóm phụ kiện quần áo. Chính vì vậy, để việc dọn dẹp diễn ra hiệu quả, bạn nên dành 1-2 giờ để dọn toàn bộ nhóm đồ phụ kiện quần áo này, bao gồm: áo lót, quần lót, đồ định dáng, tất, đồ phụ trợ, mũ, túi xách. Theo phương pháp Konmari, đây là cách làm giúp bạn nhìn thấy toàn bộ số lượng phụ kiện quần áo cùng một lúc, vì nhiều người thường lưu trữ cùng một loại đồ đạc ở nhiều nơi khác nhau. Nếu bạn dọn dẹp theo từng vị trí cụ thể, bạn chỉ đang lặp đi lặp lại mà không thể hình dung số lượng tổng thể của từng loại đồ vật mà bạn sở hữu. Điều này có thể dẫn đến khó khăn hoặc sai lầm khi bố trí không gian lưu trữ hợp lý cho nhóm đồ tất, vớ cũng như các nhóm đồ phụ kiện quần áo khác trong tủ quần áo của bạn.

 

Các món đồ thuộc nhóm tất, vớ gồm những gì?

Để thực hiện hai bước đầu tiên chính xác, bạn hãy tham khảo danh sách gợi ý những món đồ được xếp vào nhóm tất, vớ dưới đây và tiến hành tập hợp, phân loại nhé. Bạn lưu ý tập hợp cả những đôi tất, vớ chưa sử dụng, vẫn còn trong bao nilon hoặc chưa cắt tem mác nhé.

Các món đồ thuộc nhóm tất, vớ bao gồm:

  • Tất bàn: Tất giấy, tất lười, tất không cổ, cổ thấp, tất ngang bắp
  • Tất quần: Tất quần không bàn, có bàn, dày, mỏng, họa tiết...

Trong quá trình tập hợp tất, vớ, nếu bạn chỉ tìm thấy những chiếc đơn lẻ thì bạn hãy ngay lập tức loại bỏ những chiếc tất đó nhé.

 

Hướng dẫn chọn lọc tất, vớ để duy trì ngăn nắp dài lâu 

Khi chọn lọc tất, việc đầu tiên là xác định niềm vui mà chúng mang lại. Đối với món phụ kiện có số lượng đa dạng và được sử dụng thường xuyên như tất, việc kiểm tra cảm giác "spark joy" là rất quan trọng. Tất được chia thành hai loại chính: tất bàn và tất quần, mỗi loại có những tiêu chí riêng để đảm bảo sự thoải mái và sự phù hợp.

Tất bàn bao gồm các loại như tất giấy, tất lười, tất không cổ, cổ thấp, và tất ngang bắp chân. Khi kiểm tra cảm giác "spark joy", tất bàn nên ôm sát nhưng vẫn thoáng mát, đồng thời phù hợp với giày bạn đang sử dụng. Các vị trí quan trọng cần chú ý bao gồm cổ tất, mũi tất và gót chân, đảm bảo rằng chúng không gây cấn hay khó chịu.

Đối với tất quần, chúng bao gồm tất quần không bàn, tất quần có bàn, loại dày, loại mỏng và loại có họa tiết. Tương tự, cảm giác "spark joy" của tất quần cũng nên ôm sát, ấm nhưng thoáng, và phù hợp với giày. Tuy nhiên, cần chú ý thêm các vị trí như cạp quần, mông, bẹn và đùi để đảm bảo sự thoải mái tối ưu.

Một quan điểm sai lầm với tất, đó là tất sờn, rách nhỏ ở các vị trí không nhìn thấy như lòng bàn chân, gót chân thì vẫn có thể sử dụng đi ở nhà vào mùa đông, hoặc lồng bên trong một đôi tất khác (đi 2 đôi tất) vào những ngày trời rét miền Bắc để đỡ lạnh. Nghe qua thì đây có vẻ là một ý tưởng tiết kiệm cực kỳ hợp lý, tuy nhiên, như đã phân tích trong rất nhiều bài viết khác về tiêu chí đánh giá niềm vui và trong khóa học KONMARI 101 - Ngăn nắp cho người mới bắt đầu, việc đi một chiếc tất cũ đã bị sờn, rách sẽ làm giảm sự tự tin của bạn. Bạn xứng đáng được mặc trên người những bộ quần áo mang đến niềm vui, cũng như mang vào chân những đôi tất lành lặn, mềm mại, êm ái. Đặc biệt đối với phụ nữ, những đôi tất đẹp, thơm tho và sạch sẽ còn góp phần vào việc nuôi dưỡng tính nữ và tự tin.

Chính vì vậy, bạn hãy thường xuyên thay tất, không dùng chung tất với người khác như vợ chồng hay anh chị em, và bạn hoàn toàn có thể chọn những đôi tất mang màu sắc và họa tiết để thể hiện được cá tính của bản thân mình.

 

Hướng dẫn sắp xếp tất, vớ dễ lấy, dễ cất và không thất lạc

Cuộn 2 chiếc trong cùng 1 đôi tất lại, lấy chiếc bên ngoài bọc vào chiếc bên trong thành 1 quả bóng tròn, sau đó cho vào hộp chia ngăn sẵn - đây chắc chắn là cách gấp và lưu trữ tất của đại đa số mọi người. Sự thật là, cách lưu trữ này khiến những đôi tất của bạn nhanh bai, dão, xuống cấp nhất (khi bạn lấy chiếc tất này bọc vào chiếc tất còn lại) và dễ lộn xộn, thất lạc nhất khi sử dụng hộp đựng tất chia ngăn (vì các ngăn đã được chia sẵn, không điều chỉnh được độ rộng, hẹp nên một số ngăn để 1 đôi thì rộng quá nên bạn nhét 2 đôi vào 1 ngăn, có loại tất lại vừa to vừa dày, bạn không thể nhét vào 1 ngăn được. Và thế là hộp thì vẫn thừa ngăn, trong khi có những đôi tất vẫn phải để bên ngoài).

Vì vậy, cách gấp để tất không bai dão là:

  • Với tất bàn: Đặt 2 chiếc tất chồng lên nhau, chia chúng làm ba phần và gấp từ bên dưới lên. Bạn hãy kiểm tra bằng cách dựng lên, nếu tất có thể tự đứng mà không đổ xuống là đã thành công.
  • Vớt tất quần: Gập đôi để 2 bên ống chồng lên nhau, sau đó cuộn lại.

screenshot-2.png

Cách sắp xếp tất vào khay, hộp để dễ lấy, dễ cất và không thất lạc

Để tất không thất lạc thì quan trọng nhất là bạn lưu trữ chúng trong cùng một khu vực. Bạn nên sử dụng loại hộp bìa cứng bọc vải để có độ ma sát nhẹ giúp các món đồ có thể tự đứng thẳng và không bị trượt hay xô lệch. Bạn có thể sử dụng các khay nhỏ để chia thành các ngăn cho từng loại tất, hoặc kết hợp nhiều hộp để tạo ranh giới rõ ràng giữa các nhóm. 

Bạn đặt tất vào các khay đã chuẩn bị, đảm bảo mỗi loại được phân loại rõ ràng. Sử dụng các khay để giữ cho tất không bị xô đẩy bởi các món đồ khác. Bạn có thể tham khảo hình dưới đây trong bài giảng hướng dẫn gấp và sắp xếp tất, trích từ khóa học KONMARI 101 - Ngăn nắp cho người mới bắt đầu.

sap-xep-tat.png

 

Như vậy, việc tổ chức tất một cách khoa học không chỉ giúp bạn dễ dàng tìm thấy đôi tất mình cần mà còn tạo ra một không gian sống gọn gàng và ngăn nắp. Đồng thời, việc chăm sóc và sắp xếp tất đúng cách là một cách thể hiện sự yêu thương bản thân và tôn trọng các phụ kiện mà bạn sở hữu. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn ngăn nắp tất, vớ một cách có kiểm soát, dễ dàng và thuận tiện sử dụng.

Chia sẻ

Bình luận

Đăng ký nhận tin