8 câu hỏi giúp bạn lựa chọn phương pháp ngăn nắp phù hợp nhất

  • Trang chủ
  • Blog
  • 8 câu hỏi giúp bạn lựa chọn phương pháp ngăn nắp phù hợp nhất
image

8 câu hỏi giúp bạn lựa chọn phương pháp ngăn nắp phù hợp nhất

Nếu bạn đã quá mệt mỏi với việc loanh quanh dọn dẹp không biết bao giờ mới kết thúc, bất lực khi dọn xong chẳng mấy chốc lại bừa, hoặc ngôi nhà luôn trong trạng thái bừa không bừa nhưng cũng chẳng gọn gàng như ý…. Có thể bạn sẽ muốn lựa chọn 1 phương pháp ngăn nắp để việc dọn dẹp ngăn nắp được thực hiện một cách hệ thống, hiệu quả hơn.

Vậy giữa những phương pháp ngăn nắp phổ biến nhất hiện nay, đâu là phương pháp phù hợp nhất với bạn và gia đình? Bạn hãy làm bài trắc nghiệm nhỏ dưới đây để có cho mình 1 gợi ý về phương pháp ngăn nắp phù hợp nhé!

 

1. Bạn mong muốn đạt được điều gì khi ngăn nắp không gian sống?

  1. Không gian sống thoáng đãng, gợi cảm hứng và lối sống nề nếp, lành mạnh cho cả gia đình.
  2. Giảm thiểu sự lộn xộn, chỉ cần không gian thoáng đãng.
  3. Xây dựng bộ nguyên tắc ngăn nắp trong gia đình để mọi người đều tuân thủ.

 

2. Bạn mong muốn không gian sống của mình như thế nào?

  1. Đầy đủ đồ đạc và tôi thích không gian sống có nhiều đồ mang lại cảm hứng.
  2. Tôi không quan tâm nhiều đến không gian, tôi chỉ cần đồ đạc sắp xếp dễ thấy dễ lấy.
  3. Tối muốn không gian có quy tắc và trật tự sắp xếp cụ thể, chỗ nào vào chỗ đó, ổn định không bị xê dịch.

 

3. Bạn mong muốn điều gì khi thanh lọc đồ đạc?

  1. Loại bỏ những món đồ không còn mang đến niềm vui và hiểu được những vấn đề trong tâm trí liên quan đến món đồ đó.
  2. Loại bỏ càng nhiều càng tốt, ít đồ khiến tôi cảm thấy dễ chịu, thoải mái.
  3. Loại bỏ thường xuyên, cứ cái gì không còn dùng nữa thì bỏ.

 

4. Bạn có thấy việc giữ lại những món đồ kỷ niệm quan trọng không?

  1. Rất quan trọng, tôi muốn giữ lại những gì mang lại cảm xúc tích cực và có tác động tích cực tới các quyết định, lựa chọn của mình trong tương lai.
  2. Không quan trọng lắm, nhưng nếu không thể bỏ được thì tôi sẽ giữ lại.
  3. Chỉ giữ lại nếu món đồ thực sự cần thiết và có giá trị sử dụng.

 

5. Bạn mong muốn các thành viên trong gia đình sẽ tham gia vào việc duy trì ngăn nắp như thế nào?

  1. Tự chủ, có trách nhiệm với không gian của riêng mình, tự giác hoàn thành việc nhà theo phân công, chủ động giúp đỡ các thành viên khác nếu bận, ốm.
  2. Chỉ mua sắm những thứ thật sự cần thiết, không bày nhiều đồ ra không gian chung, dùng xong cất vào chỗ cũ.
  3. Lọc đồ định kỳ hàng tháng, tuân thủ nguyên tắc sắp xếp để duy trì gọn gàng trật tự, có thói quen sạch sẽ.

 

6. Bạn mong muốn dành bao nhiêu thời gian để ngăn nắp không gian sống?

  1. Chỉ cần 5-10 phút mỗi ngày, đôi khi có thể chủ động bừa bộn nhưng vẫn kiểm soát được và chỉ mất một ít thời gian để đưa về trạng thái ngăn nắp ban đầu.
  2. Tôi không có thời gian nên muốn giảm thiểu tối đa đồ đạc để không mất nhiều thời gian dọn dẹp.
  3. Mỗi ngày đều dành ra 15 – 20 phút để sắp xếp, lau chùi mọi thứ sạch sẽ.

 

7. Lối sống bạn theo đuổi là gì?

  1. Phong phú, nhiều trải nghiệm và thể hiện được bản sắc cá nhân.
  2. Tối giản, những gì không cần thiết thì loại bỏ.
  3. Nguyên tắc, kỷ luật.

 

8. Bạn thích sắp xếp không gian sống theo cách nào?

  1. Theo cảm xúc và niềm vui mà từng món đồ mang lại.
  2. Theo nguyên tắc giảm thiểu, không cần nhiều đồ.
  3. Theo hệ thống nguyên tắc rõ ràng, tuân thủ nghiêm chỉnh.

 

Nếu câu trả lời của bạn chủ yếu là (a): Hãy thử ngay phương pháp KonMari.

Bạn rất phù hợp với phương pháp KonMari. Phương pháp này tập trung vào việc giữ lại những món đồ mang lại niềm vui và cảm hứng cho bạn, giúp bạn kết nối với từng món đồ và loại bỏ những món đồ không còn mang niềm vui và tác động tích cực đến cuộc sống.

Phương pháp KonMari không đưa ra 1 bộ nguyên tắc để bạn tuân thủ, không có đúng – sai mà đề cao cảm nhận của mỗi người và tập trung vào sự quan sát của bản thân sau mỗi trải nghiệm để tìm ra cách thức ngăn nắp phù hợp và dễ duy trì nhất cho cá nhân.

Bởi vậy, phương pháp KonMari thường được những người yêu thích cuộc sống phong phú, giàu trải nghiệm hoặc các gia đình có nhiều thành viên cùng chung sống lựa chọn vì sự linh hoạt của phương pháp này.

 

Nếu câu trả lời của bạn chủ yếu là (b): Phương pháp Tối giản là một sự lựa chọn đáng cân nhắc.

Phương pháp Tối giản (Minimalism) có thể là lựa chọn tốt cho bạn, đặc biệt nếu bạn là một người thực tế và không có nhiều nhu cầu trải nghiệm. Phương pháp tối giản thường được những người sống độc thân hoặc gia đình có ít thành viên và cả hai vợ chồng đều theo đuổi lối sống tối giản lựa chọn.

Phương pháp này giúp bạn giảm thiểu số lượng đồ đạc để tạo ra không gian sống đơn giản và ít đồ, tập trung vào những gì thực sự cần thiết nên một trong những ưu điểm rõ ràng nhất khi bạn áp dụng phương pháp tối giản đó là tiết kiệm chi tiêu.

Một lưu ý nhỏ khi ngăn nắp theo phương pháp tối giản, đó là bạn hãy quan sát hành vi, nhu cầu và cảm xúc của những người xung quanh cũng như chính bản thân mình có đang thực sự thoải mái không. Hãy nhớ rằng tối giản không có nghĩa là tối thiểu và cuộc sống cần có những trải nghiệm nhất định để bạn hiểu bản thân mình hơn. Nếu lựa chọn theo đuổi phương pháp Tối giản, bạn có thể đọc thêm về tiêu chí niềm vui – spark joy trong phương pháp KonMari để tăng tính hiệu quả nhé!

 

Nếu câu trả lời của bạn chủ yếu là (c): 5S có thể là phương pháp phù hợp dành cho bạn.

Bạn có thể phù hợp với phương pháp 5S. Nguồn gốc phương pháp 5S là một phương pháp quản lý và sắp xếp nơi làm việc, xây dựng một môi trường mà ở đó, sự tinh gọn, sạch sẽ, khoa học được đặt lên hàng đầu, thông qua các hoạt động như giữ vệ sinh cho máy móc, thiết bị, sắp xếp mọi thứ một cách trật tự,...

Bởi vậy, phương pháp 5S phù hợp với những người yêu thích các nguyên tắc, hệ thống logic rõ ràng và có tính kỷ luật, tuân thủ cực kỳ tốt. Ưu điểm khi áp dụng phương pháp 5S vào ngăn nắp ngôi nhà là bạn có thể xây dựng 1 bảng hệ thống nguyên tắc sắp xếp theo trật tự một cách chi tiết và bài bản.

Một lưu ý nhỏ khi ngăn nắp theo phương pháp 5S là bạn hãy hỏi ý kiến các thành viên về việc áp dụng và tuân thủ có gặp khó khăn không và quan sát nhu cầu của mỗi thành viên để xây dựng ra bảng hệ thống nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn ngăn nắp phù hợp nhất cho cả gia đình. Để thực hiện điều đó, bạn cũng có thể tham khảo cách phân loại, kiểm tra niềm vui với đồ đạc và hướng dẫn hình dung đích đến của phương pháp KonMari để đặt ra những kỳ vọng phù hợp và không cảm thấy quá áp lực khi thực hành phương pháp 5S này.

 

Bạn có thể đọc thêm về 3 phương pháp ngăn nắp phổ biến nhất Việt Nam hiện nay là phương pháp KonMari, phương pháp Tối giản và phương pháp 5S tại đây

Hi vọng qua bài trắc nghiệm này, bạn có thể lựa chọn một phương pháp ngăn nắp phù hợp cho mình và gia đình. Dù lựa chọn phương pháp nào thì điều quan trọng nhất là bạn hãy bắt tay hành động ngay. Chỉ khi đã bắt tay vào thực hành, bạn mới có thể quan sát và cảm nhận đâu là phương pháp phù hợp nhất với mình.

Nếu bạn lựa chọn bắt đầu với phương pháp KonMari, bạn có thể tham khảo các chương trình tư vấn - kèm cặp, khóa học ngăn nắp của Joydy - đơn vị đào tạo ngăn nắp đầu tiên và uy tín nhất tại Việt Nam. Với sự hướng dẫn của chuyên gia ngăn nắp Quốc tế Nga Mạc (KonMari Master) và các tư vấn viên ngăn nắp Joydy, chắc chắn hành trình ngăn nắp của bạn sẽ tiến lên và hiệu quả trông thấy mỗi ngày!

Chia sẻ

Bình luận

Đăng ký nhận tin