6 quy tắc sắp xếp theo phương pháp KonMari

image

6 quy tắc sắp xếp theo phương pháp KonMari

“Khi bạn chọn những gì để giữ, hãy hỏi trái tim của bạn

Khi bạn chọn nơi cất giữ thứ gì đó, hãy hỏi nhà của bạn!”

 

Mỗi ngôi nhà có thể sắp xếp hoàn toàn khác nhau do không gian, điều kiện và nhu cầu mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên, các cách cất giữ thì đều tuân theo những nguyên tắc chung nhất sau đây để có thể biến đổi cho phù hợp từng hoàn cảnh:

 

1, Cất giữ theo người sở hữu

Xác định không gian cất giữ cho từng người để phân chia trách nhiệm giữ gìn không gian cá nhân và để mỗi người xác định được không gian của mình và tập trung vào không gian đó thay vì quan tâm đến đồ đạc của người khác. 

Việc cất giữ theo người sở hữu sẽ giúp tạo nên bố cục không gian phù hợp với nhu cầu, gia tăng sự gắn giữa các mối quan hệ. Ví dụ: không gian phòng ngủ của bố mẹ là không gian riêng tư, các con khi sử dụng không gian của bố mẹ sẽ cần tôn trọng những khu vực mang tính cá nhân như bàn trang điểm, bàn làm việc. Cần sử dụng gì sẽ phải hỏi ý kiến và dùng xong cần trả vào chỗ cũ.

 

2, Cất giữ tập trung (cất giữ theo nhóm đồ vật)

Xác định 1 chỗ cho mọi thứ cùng nhóm hoặc tương tự nhau để dễ dàng kiểm soát số lượng và tần suất sử dụng đồ vật. Tương tự như cách phân chia danh mục đồ vật khi dọn dẹp thì khi chọn nơi cất giữ cũng chia nhóm theo danh mục như thế. Trong mỗi danh mục đồ vật lại có những nhóm nhỏ khác nhau, sắp xếp theo những nhóm đó để tập trung đồ vật vào 1 nơi cố định.

Mỗi đồ vật cần có ngôi nhà của chúng, khi có quá nhiều đồ vật được cất giữ tạm thời sẽ nhanh chóng gây ra tình trạng lộn xộn. Khi sắp xếp theo nhóm cũng là lúc bạn xẽ quyết định những thứ mới khi mua về sẽ được cất giữ ở đâu?

 

3, Để đồ vật hiện ra trong 1 cái liếc mắt 

Mục đích của việc sắp xếp này là để thường xuyên thử phản ứng của cơ thể về niềm vui. Khi nó bị cất giữ kín trong hộp, bao bì, túi nilon kín không thể nhìn thấy bên trong thì bạn không thể cảm nhận được nó và dễ dàng rơi vào quên lãng.

Nếu bạn nhìn thấy nó thường xuyên nhưng cơ thể không phản ứng để đưa vào sử dụng thì đó là đồ vật không mang niềm vui, có thể xem xét và tiến hành loại bỏ trong 1 thời gian nhất định.

Để đồ vật hiện ra cũng là để dễ dàng thu dọn khi lấy ra sử dụng, nhưng đó là hiện ra trong các tủ kệ, nó khác với hiện ra trên các mặt phẳng như mặt bàn, mặt tủ hay bồn tắm … làm các không gian trong lộn xộn, rối mắt. Các đồ đạc trong tủ kệ cần được bóc ra khỏi các túi nilon hay hộp đựng kể cả là bao bì của chúng để cất giữ.

 

4, Sử dụng các khay, hộp mở hình vuông hoặc chữ nhật 

Sử dụng các khay, hộp mở hình vuông hoặc chữ nhật để tạo nhóm các đồ vật tương tự nhau khi chúng nhỏ, khó giữ thẳng đứng và tận dụng diện tích cất giữ. Mục đích của các khay, hộp đựng là để sắp xếp phân loại theo từng nhóm, điều này giúp bạn xác định được nhu cầu sử dụng và giới giạn theo từng nhóm để quản lý số lượng và mua sắm phù hợp.

Việc sử dụng hộp có nắp cũng khiến cho đồ vật khó lấy ra hoặc cất vào do phải sử dụng nhiều thao tác, điều này khiến cho đồ đạc dễ trở nên lộn xộn sau 1 thời gian ngắn. Nếu không gian của bạn không cho phép thì có thể dùng hộp kín nhưng nên là hộp trong suốt để bạn có thể nhìn thấy mọi thứ bên trong.

 

5, Ưu tiên cất giữ đồ vật theo chiều thẳng đứng

(Xếp cạnh nhau trên một mặt phẳng thay vì xếp chồng lên nhau)

 Đồ vật được sắp xếp theo chiều thẳng đứng sẽ giúp bạn dễ nhìn thấy, dễ lấy ra. Mặc dù không gian giới hạn trên một mặt phẳng nhưng đó cũng là cách để bản thân quan sát và nhận biết nhu cầu sở hữu đồ đạc của mình là bao nhiêu là đủ? 

Việc cất giữ theo cách này sẽ giúp bảo vệ đồ dùng khỏi sức nặng, tác động xấu đến đồ vật bên dưới. Hơn nữa khi lấy ra, những đồ đạc ở bên cạnh vẫn giữ nguyên vị trí và giữ cho mọi thứ luôn gọn gàng ngăn nắp ngay cả khi bạn không có thời gian để thường xuyên dọn dẹp.

 

6, Sắp xếp là để giảm công sức thu dọn đồ dùng

Sắp xếp là để giảm công sức thu dọn đồ dùng chứ không phải giảm công sức lấy ra. Việc sắp xếp sao cho thuận tiện lấy khi sử dụng khiến đồ đạc dễ bị bừa bộn do cất giữ rải rác ở nhiều nơi.

Mỗi thứ cần có chỗ quy định của nó, khi bạn sắp xếp tốt ngay từ lúc ban đầu thì việc thu dọn chỉ còn là thao tác tự động mà không cần phải cân nhắc quyết định về nơi cất giữ của chúng. Điều này giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng khi dọn dẹp hàng ngày. 

Để giảm công sức lau chùi đồ đạc, hãy làm trống các mặt phẳng càng nhiều càng tốt. Thao tác khi lau một mặt phẳng mà chỉ nhấc lên vài đồ vật sẽ nhanh hơn là việc bạn nhấc lên cả đống đồ. Việc có nhiều đồ vật trên mặt phẳng cần lau tỉ mỉ tốn thời gian sẽ khiến bạn chỉ lau khoảng trống chứ không lau nơi có nhiều đồ. Đó là lý do mà nhà càng có nhiều đồ đạc thì tích tụ càng nhiều bụi bẩn, không khí ô nhiễm và sức khỏe giảm sút.

 

Tuy nhiên việc sắp xếp theo cách mới này sẽ khiến bạn phải thay đổi thói quen và gây khó chịu lúc ban đầu. Khi đó đôi khi bạn nhớ nhớ quên quên, quay đi quay lại lấy đồ đủ để sử dụng. Và đây cũng là việc bạn xác định để cố gắng tạo thói quen gọn gàng ngăn nắp mới cho đến khi thao tác trở nên tự động mà không cần suy nghĩ.

Các quy tắc sắp xếp hoàn toàn có thể linh động trong từng hoàn cảnh, tuy nhiên bạn hãy chú ý đến bố cục ngôi nhà và thói quen nề nếp cho các thành viên trong gia đình. Đặt con người làm trọng tâm và không gian là môi trường để các thành viên gắn kết, phát triển để nhà là nơi tổ ấm, là chốn trở về đầy yêu thương của mỗi người.

Chia sẻ

Bình luận

Đăng ký nhận tin